“VNPT và dòng chảy thời gian”

Ngày: 11/08/2016 Lượt xem:5465

71 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Bưu điện Việt Nam (nay là ngành Thông tin và Truyền thông) đã phát triển vượt bậc, xây dựng và phát triển một mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Lịch sử Bưu điện Việt Nam là lịch sử của dân tộc Việt Nam (không gồm Bưu điện thực dân cướp nước và chính quyền Sài Gòn cũ) bắt nguồn từ công tác giao thông liên lạc bí mật của Đảng trước năm 1945.

1.Trước năm 1945: năm 1925, Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (VNTNCMĐCH - tổ chức tiền thân của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc sáng lập cùng các đồng chí lãnh đạo đầu tiên của Đảng) đã đặc biệt quan tâm đến công tác giao thông liên lạc.

Năm 1936, Mặt trận nhân dân ở Pháp được thành lập, Cách mạng Việt Nam có thêm thuận lợi mới. Nhiều sách báo của Đảng ra đời, hoạt động công khai.  Mỗi trụ sở tòa soạn báo và quán sách là một địa điểm liên lạc của Đảng.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đảng chuyển hướng hoạt động, rút vào bí mật. Hội nghị trung ương lần thứ 7 (tháng 11/1940) có quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, nhưng vì giao thông liên lạc khó khăn, chỉ thị không đến kịp nên cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra. Bọn địch khủng bố rất dã man. Một số đồng chí lãnh đạo của Đảng như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, v.v.. bị địch bắt và đã hy sinh. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ. Điều đó càng khẳng định vị trí quan trọng của công tác giao thông liên lạc đối với công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng. 

Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh khởi nghĩa. Lực lượng giao thông liên lạc của Đảng nhớ lời dạy của Hồ Chủ Tịch: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mệnh, vì chính nó quyết định sự thống nhất của chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi, hăng hái lên đường làm nhiệm vụ”.

2.Thông tin liên lạc trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp

Để phục vụ cho nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích rộng khắp, phá kế hoạch bình định của địch, sau khi rút khỏi các đô thị, trở về vùng căn cứ, Ngành đã nhanh chóng xây dựng và phát triển các đường thư, đường điện báo, điện thoại, các đài vô tuyến điện.

Ngày 17/1/1946, Hồ Chủ Tịch đã đến thăm Bưu điện Trung ương Bờ Hồ. Chấp hành sự chỉ đạo của Đảng, ngày 28/6/1947, Bộ Giao thông Công chính ban hành Nghị định số 335/NĐ tổ chức lại ngành Bưu điện thành 3 Nha Bưu điện. Ở Trung ương có Nha Tổng Giám đốc, dưới Nha Tổng giám đốc có 3 Nha giám đốc ở 3 miền. 

Từ năm 1948, việc kiện toàn các tổ chức thông tin liên lạc được tiến hành khẩn trương hơn. Tháng 5/1948, Bộ Giao thông Công chính ra quyết định sáp nhập Bưu điện với Ban giao thông kháng khiến lấy Ban Giao thông làm nòng cốt lấy tên là Nha Bưu Điện Việt Nam. Nngày 12/6/1951, Chính phủ quyết định sáp nhập vô tuyến điện hành chính vào ngành Bưu điện. Nha Bưu điện đổi thành Nha Bưu điện – Vô tuyến điện Việt Nam.

Qua 9 năm phục vụ công cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp, ngành Bưu Điện đã có: hàng trăm đơn vị xuất sắc, hàng ngàn chiến sỹ thi đua, cá nhân xuất sắc. Rất nhiều Ty, Sở Bưu điện được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến.

3.Xây dựng CNXH ở miền Bắc: Lớn mạnh thần tốc



Chính phủ ban hành Nghị định số 48/TTg  ngày 08/8/1955, Nha Bưu điện Vô tuyến điện Việt Nam được đổi thành Tổng Cục Bưu điện Việt Nam, thuộc Bộ Giao thông Bưu Điện. Hoạt động của Ngành từ quản lý hành chính sự nghiệp chuyển sang hoạt động có kinh doanh. Đến tháng 9/1955, theo chỉ thị của Ban Bí Thư Trung ương Đảng, Tổng Cục Bưu Điện được giao thêm nhiệm vụ phát hành báo chí. Ngày 13/5/1961, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 63/CP tách Tổng cục Bưu điện ra khỏi Bộ Giao thông và Bưu điện đặt thành cơ quan trực thuộc Chính phủ. Ngày 9/2/1962, Hội đồng Chính phủ lại ra Quyết định số 12/CP giao thêm nhiệm vụ quản lý kỹ thuật các đài phát thanh và phát triển mạng lưới truyền thanh địa phương. Tổng cục Bưu điện đổi tên là Tổng cục Bưu điện Truyền thanh.

Về mặt quan hệ quốc tế, từ năm 1957, Bưu điện Việt Nam là thành viên của Tổ chức hợp tác tương trợ giữa các nước xã hội chủ nghĩa (OCC), mở rộng quan hệ và được các nước xã hội chủ nghĩa giúp đỡ nên có điều kiện vươn lên phát triển nhanh hơn.

4.Thông tin liên lạc thời kỳ chống Mỹ:

a,Ở Miền Bắc (1965 – 1975)

Lịch sử đã ghi những dấu son đỏ chói về những chiến công của anh chị em ngành Bưu điện không ngại hy sinh, không sợ gian khổ bảo đảm vận hành toàn tuyến thông tin Bắc Nam phục vụ chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm”, chống địch đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, một trong những kỳ tích được ghi nhận là: Trong khi Mỹ ra sức bắn phá miền Bắc, mạng lưới vi ba RVG950, BM400, BM405 vẫn được hoàn thiện và bảo vệ đưa vào khai thác các tuyến Hà Nội – Quảng Ninh, Hải Phòng – Hải Dương, Thái Bình – Nam Định và Việt Trì – Tam Đảo…, lấy núi Yên Phụ làm trạm trung gian chuyển tiếp tuyến vi ba 400 kéo vào Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh, sẵn sàng tiếp nối, hòa mạng với chiến trường B.

Trải qua 10 năm (1965 – 1975), vừa phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, vừa phải chi viện cho ngành thông tin liên lạc miền Nam, Bưu điện miền Bắc đã cố gắng lớn về nhiều mặt và được nhà nước ghi nhận.

b,Thông tin liên lạc cách mạng ở miền Nam (1954 – 1975):Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, từ Trị Thiên tới khu V, khu VI, nơi trước đây thời kháng chiến chống Pháp còn có một vùng tự do rộng lớn, nay phút chốc biến thành tù ngục của thực dân.

Năm 1960, sau khi mặt trận dân tộc giải phóng ra đời, tổ chức và đội ngũ thông tin liên lạc cũng từng bước được tăng cường, luôn luôn “gắng lòng, chia lửa” với đồng bào. Đến năm 1962, ngành Giao bưu và ngành Thông tin chính thức được thành lập, với hệ thống dọc từ trung ương cục đến tỉnh, huyện.Sau khi Hiệp định Pari chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, ngành Giao bưu đã làm nhiệm vụ mở tuyến đầu cầu giữa 2 miền Nam – Bắc, cùng một số ngành và bộ đội Trường Sơn hoàn thành việc đưa dẫn cán bộ, bộ đội chuyển vận vũ khí, hàng hóa với khối lượng rất lớn từ Bắc vào Nam chuẩn bị cho việc giải phóng miền Nam.

Qua hơn 20 năm chiến đấu vô cùng gay go, gian khổ với đế quốc Mỹ, ngành Bưu điện đã có 4.419 người hy sinh và trên 2.000 người bị thương trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc. Ngành Giao bưu được tặng thưởng 1.399 Huân chương các loại và ngành Thông tin được thưởng 551 Huân chương. Cả hai ngành được trên 4.000 bằng khen “Dũng sĩ”.

5.Thống nhất mạng lưới, đổi mới và hiện đại hóa mạng lưới thông tin:

Thống nhất và hiện đại hóa mạng lưới (1976 – 2000):Từ chiến tranh, chuyển sang hòa bình, từ đất nước bị chia cắt, tiến lên thống nhất cả nước, nhu cầu mọi mặt đòi hỏi rất lớn. Về thông tin điện chính, đã hoàn thành xây dựng đường thông tin hữu tuyến Hà Nội – TP. HCM – Minh Hải với 2.080 km đường cột, 11.980 km đôi dây tạo điều kiện nối thông tin liên lạc điện thoại, điện báo trực tiếp từ trung ương đi hầu hết các tỉnh phía Nam. Lần đầu tiên thực hiện liên lạc điện báo thoại thành công giữa Trung ương với 437 huyện trong tổng số 473 huyện cả nước. Năm 1980, với sự giúp đỡ của Liên Xô, đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen I xây dựng thành công và đưa vào sử dụng. Tiếp theo khoảng 4 năm, năm 1985, đài thông tin vệ tinh mặt đất Hoa Sen II cũng được xây dựng tại TP. HCM và hoàn thành đưa vào sử dụng kịp phục vụ trong dịp kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Năm (30/4/1985).

Từ tháng 10/1987, ngành Bưu điện lại tiếp nhận quản lý kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu phát sóng phát thanh và truyền hình. Đây là lần thứ hai ngành Bưu điện được Nhà nước giao nhiệm vụ này.

Tuy đạt được một số thành tích, nhưng nhìn chung Bưu điện Việt Nam đến thời điểm trước đổi mới (từ 1975 – 1986) còn ở trong tình trạng quá lạc hậu, yếu kém cả về cơ sở vật chất, kỹ thuật lẫn phương thức kinh doanh…. Để thực hiện hướng chiến lược “đi thẳng vào công nghệ hiện đại, bỏ qua trung gian”, Ngành tập trung để ra một hoạt biện pháp tìm tòi con đường tạo vốn, thực hiện phương thức đầu tư có trọng điểm “lấy ngoài nuôi trong”, thực hiện chuyển dịch cơ cấu, đổi mới cơ chế quản lý kinh doanh, tạo thế và lực cho Ngành trưởng thành. Phương thức vi ba số và cáp quang, tổng đài điện tử đã nhanh chóng thay thế dây trần, viba analog. Đến năm 1995, toàn bộ mạng cấp I đã được trang bị truyền dẫn viba số và cáp quang băng rộng. Về chuyển mạch, Ngành tập trung mở rộng dung lượng cho hầu hết các tổng đài tỉnh, thành phố. Đến cuối năm 1995, 53/53 tỉnh, thành phố, 100% số huyện được trang bị tổng đài điện tử số, 463/495 huyện (93,5%) được trang bị truyền dẫn số, kết nối lại với nhau, liên tục với nhau một cách tự động.

Trước năm 1980, cả nước có hai trung tâm liên lạc viễn thông quốc tế là Hà Nội và TP. HCM. Tất cả đều dùng thông tin vô tuyến sóng ngắn. Các tổng đài quốc tế đều sử dụng loại nhân công (từ thạch). Mạng viễn thông quốc tế cũng chỉ cung cấp được hai dịch vụ: điện thoại nhân công và điện báo. Từ sau năm 1987  Mạng Viễn thông quốc tế được phát triển theo hướng kỹ thuật hiện đại. Đến năm 1992, ngành Bưu điện đã xây dựng và đưa vào 3 trạm vệ tinh mặt đất thuộc hệ Intelsat và hai tổng đài điện thoại quốc tế. Tính đến cuối năm 1994, Viễn thông Việt Nam đã hòa mạng trực tiếp với 35 nước trên thế giới, trên 40 hướng, có quan hệ viễn thông với gần 200 nước và là thành viên của 7 tổ chức Viễn thông quốc tế.

Đến năm 2000, Việt Nam là một trong 30 nước có trên 2 triệu máy điện thoại (tổng số thuê bao của Việt Nam là 3.286.405 đạt mật độ 4,16 máy/100 dân, trong đó thuê bao cố định là 2.556.255, thuê bao di động trả tiền trước là 510.046 thuê bao, thuê bao di động trả tiền sau là 242.636 thuê bao); đứng thứ hai trên thế giới về tốc độ phát triển. Mạng viễn thông Việt Nam tăng từ 7 lên 8 trạm thông tin vệ tinh mặt đất, các tuyến cáp quang biển, 3 tổng đài cửa ngõ với 5.764 kênh liên lạc quốc tế, trung bình mỗi năm đã chuyển tải trên 400 triệu phút liên lạc quốc tế. Dịch vụ ngày càng mở rộng. Đã có  80 đối tác ký thỏa thuận dịch vụ và 25 đối tác  khai thác chính thức với 3 mạng điện thoại di động của Việt Nam là Call Link, Vinaphone và Mobiphone.

Hơn 10 liên doanh các dự án hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) đã được triển khai, chủ yếu tập trung vào dịch vụ viễn thông quốc tế, viễn thông nội hạt, thông tin di động. Ngành cũng có 22 nhà máy và xí nghiệp cung ứng hầu hết các sản phẩm chính cho mạng lưới, đáp ứng được 40% nhu cầu trong nước và xuất khẩu gần 10 triệu USD.

6. VNPT Hôi nhập và phát triển:

Để thực hiện chiến lược phát triển, chuyển từ kế hoạch tăng tốc sang hội nhập và phát triển, ngành Bưu điện xác định mục tiêu và nhiệm vụ của việc đổi mới tổ chức quản lý là một việc quan trọng. Cần phải tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh. Theo đó từ Tổng cực Bưu điện rồi đến Bộ Bưu chính Viễn thông và nay là Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, còn VNPT thực hiện chức năng cơ bản là quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị thành viên. VNPT từ Tổng công ty 91 từng bước thực hiện quá trình đổi mới cơ chế quản lý theo lộ trình chung và nay là Tập đoàn VNPT nhanh chóng, tích cực xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, tin học quốc gia tiên tiến hiện đại với tiêu chí “Tiên tiến – tương thích – toàn cầu” đáp ứng xu thế hội tụ viễn thông – tin học –phát thanh – truyền hình, đa phương tiện. 

VNPT tiếp tục nâng cấp, mở rộng mạng viễn thông quốc tế, liên tỉnh, nội tỉnh, thực hiện cáp quang hóa đường trục, từng bước cáp quang hóa đến từng thuê bao. Hướng phát triển mạng lưới là tập trung vào 3 mạng: Mạng cố định, mạng băng rộng và mạng di động.

Mạng viễn thông quốc tế được tăng cường nhanh về dung lượng, nâng cao về chất lượng các tuyến cáp quang trên biển và trên đất liền, thay thế dần các kênh vệ tinh đi quốc tế gồm SMW-3, AAG và APG. Ngoài ra còn có các hệ thống cáp quang quốc tế khác không kết cuối tại Việt Nam bao gồm China-US, FLAG, APCN2, SMW-4 và TPE nhằm cung cấp dung lượng nối tiếp đi các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực Châu Á, Châu Mỹ và Châu Âu và Hệ thống cáp quang đất liền qua biên giới kết nối trực tiếp với nhiều đối tác khác nhau của Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Về mạng viễn thông trong nước, cuối năm 2004, VNPT chính thức đưa mạng viễn thông thế hệ mới NGN vào khai thác. Cuối năm 2005, trạm cổng VSAT-IP (IPSTAR) quốc tế đầu tiên được đưa vào khai thác. Hai tuyến cáp quang Bắc – Nam vừa đầu tư nâng cấp thiết bị truyền dẫn với dịch vụ băng rộng, vừa mở dung lượng lên 40 Gb/s, tiếp đó là 80 Gb/s và 120 Gb/s, tạo điều kiện đa dạng hóa các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ băng thông rộng.

Mạng thông tin di động tiếp tục duy trì tăng trưởng cao. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển mạng 2G, Vinaphone  triển khai dịch vụ 3G. Năm 2009, mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước được xếp là một trong 10 sự kiện lớn của VNPT. Năm 2016 VNPT đã thử nghiệm thành công 4G với tốc độ cao nhất Đông Nam Á.

Đặc biệt Vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 là 02 vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng mặt đất như Đài điều khiển vệ tinh (TT&C), Đài điều hành khai thác vệ tinh (NOC) và các trạm teleport hoàn chỉnh, hiện đại. Các vệ tinh VINASAT-1 và 2 tại vị trí quỹ đạo 1320 Đông và 131,80 Đông có vùng phủ sóng rộng lớn trong khu vực Châu Á, Châu Úc và Hawaii.

7.Thực hiện Đổi mới doanh nghiệp: VNPT được tổ chức sắp xếp hoạt động theo mô hình mạnh của Nhà nước (Tổng công ty 91) từ năm 1995 tuy đạt được những thành tựu hết sức quan trọng, song khi bước vào thời kỳ xã hội thông tin với xu thế hội tụ công nghệ, hội nhập và ngày càng cạnh tranh gay gắt thì mô hình Tổng công ty 91 và chế độ kế hoạch hóa toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tỏ ra không phù hợp.  VNPT được xây dựng, tổ chức lại, chuyển sang mô hình Tập đoàn kinh tế. Theo đó từng bước tách bưu chính ra hoạch toán kinh doanh độc lập. Ngày 04/2/2006, chính phủ ban hành Quyết định số 06/2006/QĐ-TTg về việc thành lập công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Ngày 26/3/2006, Tập đoàn chính thức đi vào hoạt động.

Với việc thực hiện Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015, VNPT đã nhanh chóng hoàn thành quá trình xây dựng điều lệ, quy chế, nhân sự và ra quyết định thành lập 3 Tổng công ty gồm: Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông(VNPT - Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net). Từ ngày 1/7/2015, 3 Tổng Công ty đã chính thức đi vào hoạt động.

Sau hơn 1 năm, các Tổng công ty đã và đang đi vào hoạt động ổn định, cùng với các đơn vị trên toàn tập đoàn hình thành nên chuỗi giá trị của Doanh nghiệp. Sự phân định 3 chức năng mạng lưới, dịch vụ và kinh doanh, tạo nên sự chuyên biệt, khác biệt và hiệu quả.

                                                                                                   NBH (VPTCT) – Nguồn:Tổng hợp.

Tổng Công Ty Hạ Tầng Mạng

+84-4 37877777 - vnptnet@vnpt.vn

© Copyright 2015, VNPT-NET

Số 30, đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội

Giấy phép số: 1300/GP-TTĐT, ngày 12/4/2016 do Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp

Tổng Công Ty Hạ Tầng Mạng

Điện thoại: +84-24 37877777 - Fax: +84-24 37876600 - vnptnet@vnpt.vn